Thủ tướng Phạm Minh Chính: Năm 2022, phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính
Công tác xây dựng thể chế cải cách hành chính được đẩy mạnh. Nhiều quy trình, thủ tục về mặt hành chính được cắt giảm để đơn giản, gọn nhẹ, thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ vào các hoạt động hành chính... Nhờ đó, công tác cải cách hành chính được người dân, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo đối với công tác cải cách hành chính và những kết quả đã đạt được trong cải cách hành chính năm 2021 vừa qua.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong công tác cải cách thủ tục hành chính như: Công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới; chưa đáp ứng được mong muốn của người dân, doanh nghiệp. Thủ tục hành chính chưa gọn nhẹ, còn nhiều giấy phép con, thủ tục không nhất quán, thiếu tập trung. Đầu tư cho cải cách hành chính có nơi, có lúc còn hạn chế, thiếu sự quan tâm...
“Nguyên nhân của những hạn chế trên có cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó do nhận thức, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực tổ chức thực hiện của người đứng đầu chưa tương xứng với nhiệm vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ của năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan người dân, doanh nghiệp, để khơi dậy, huy động mọi nguồn lực vào phát triển đất nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh, với quan điểm “đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển; đầu tư cho cải cách hành chính phải tập trung, không dàn trải; làm việc nào dứt điểm việc đó” và phương châm “đã nói là phải làm; lấy hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, hiệu quả điều hành làm thước đo”. Trên cơ sở đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách hành chính.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cải cách hành chính tập trung vào các nhiệm vụ: xây dựng thể chế về cải cách hành chính; rà soát lại các thủ tục hành chính cần phải cắt giảm, bổ sung; đầu tư nguồn lực về tài chính, con người cho cải cách hành chính. “Phải lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp, cầu thị tiếp thu, sửa chữa các thủ tục hành chính còn gây phiền hà, không phù hợp...”, Thủ tướng yêu cầu.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, Thủ tướng chỉ đạo phải phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đi đôi với kiểm tra giám sát. Tổ chức nhất quán thực hiện các quy định từ Trung ương đến địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh rà soát và hoàn thiện thể chế về cải cách hành chính. Vấn đề thuộc chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan, ngành, cấp nào thì cơ quan, ngành, cấp phải chủ động xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, nếu vượt thẩm quyền thì trình, xin ý kiến cấp có thẩm quyền xem xét.
Trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các bộ, ngành xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, quản trị quốc gia nói chung và các bộ, ngành, địa phương nói riêng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục rà soát, xây dựng lại quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng, tổ chức, doanh nghiệp, người dân và phối hợp điều hành của các bộ, ngành, cơ quan. Đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, phục vụ chuyển đổi số, nhất là nâng cao hiệu quả các mô hình trực tuyến, trong đó ưu tiên cho 25 dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục rà soát lại chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW nhằm tinh giản bộ máy, nhưng nâng cao năng lực hiệu quả điều hành; trách chồng chéo; giảm khâu trung gian. “Các nhiệm vụ có giao thoa thì xác định cơ quan nào làm tốt thì phân công; một việc chỉ một nơi làm”, Thủ tướng chỉ rõ.
Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, cần đầu tư thỏa đáng cho xây dựng Chính phủ điện tử; hướng tới Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá về cải cách hành chính theo điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam và tham khảo mô hình trên thế giới, đảm bảo khách quan, công bằng, dân chủ. Huy động sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện cải cách hành chính. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng cải cách hành chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo phải hoạt động thực chất, hiệu quả, không hình thức; hàng tháng, hàng quý, định kỳ và đột xuất có sơ kết, đánh giá, phát hiện những vấn đề mới xuất phát tư thực tiễn để có giải pháp kịp thời. Thủ tướng đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện việc cải cách hành chính đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, hiệu quả cao.
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân